Tôi 39 tuổi, gần đây hay bị ợ nóng cổ, đắng miệng, đầy bụng, khó tiêu. Đây có phải là triệu chứng trào ngược dạ dày. Bệnh có tự khỏi hay cần điều trị? (Cẩm Nhung, TP HCM)

Trả lời:

Trào ngược dạ dày thực quản khá phổ biến, có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh cho đến người lớn. Bình thường, sau khi thức ăn được đưa vào miệng và xuống thực quản, các cơ thắt thực quản giãn ra để cho thức ăn cùng chất lỏng đi vào dạ dày rồi lại đóng lại. Người bị trào ngược dạ dày gặp tình trạng axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản (phần ống nối từ miệng đến dạ dày), kích thích niêm mạc thực quản và gây ra triệu chứng khó chịu như ợ nóng, ợ hơi, ợ chua.

Người bệnh có thể buồn nôn, nôn ra thức ăn hoặc dịch vị, nuốt nghẹn, khó chịu sau xương ức, đau ngực, ho, khàn tiếng. Trào ngược hay xảy ra vào ban đêm khi nằm, sau khi ăn quá no hoặc nằm ngay sau ăn.

Tình trạng trào ngược nghiêm trọng và tần suất liên tục hơn có thể gây ra phù nề, sưng tấy niêm mạc thực quản, gây viêm hoặc loét thực quản.

Người có nguy cơ cao mắc bệnh này thường xuyên uống rượu bia, hút thuốc lá, thừa cân, béo phì ăn nhiều đồ chua, các món giàu dầu mỡ, ít vận động, nằm ngay sau ăn.

Người bị thoát vị hoành, liệt dạ dày hoặc bệnh lý mô liên kết như xơ cứng bì (một bệnh tự miễn mạn tính), phụ nữ mang thai, hay căng thẳng, chịu áp lực cũng dễ trào ngược dạ dày.

Bác sĩ Trung khám cho bệnh nhân. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Trung khám cho bệnh nhân. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Một số ít trường hợp trào ngược dạ dày tự khỏi. Các trường hợp này thường bị trào ngược liên quan đến các nguyên nhân như rượu bia, thuốc lá, căng thẳng, ăn uống trễ... và đã thay đổi lối sống, kiểm soát tốt yếu tố thúc đẩy giúp bệnh tự cải thiện. Tuy nhiên, hầu hết trào ngược kéo dài gây triệu chứng hoặc biến chứng ảnh hưởng chất lượng cuộc sống và công việc, người bệnh cần can thiệp điều trị.

Tùy từng giai đoạn bệnh, bác sĩ chỉ định thuốc, kết hợp với lối sống lành mạnh như không nên ăn quá no, hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, chia nhỏ bữa ăn, vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 lần mỗi tuần để giảm triệu chứng, chữa khỏi bệnh. Khi điều trị bằng thuốc không mang lại hiệu quả, người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật mổ nội soi hoặc mổ mở.

Bạn cần đi khám sớm để bác sĩ chẩn đoán, tìm ra nguyên nhân, từ đó có phương pháp điều trị tích cực.

Người có biểu hiện bất thường, nghi ngờ mắc bệnh này nên đến cơ sở y tế uy tín để được khám và điều trị kịp thời, phòng ngừa biến chứng nguy hiểm.

BS.CKI Huỳnh Văn Trung
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Nguồn: Bệnh trào ngược dạ dày có tự khỏi không? - Báo VnExpress Sức khỏe